Hội đánh pháo đất Vĩnh Bảo, đặc sắc trò chơi cổ truyền

Ngày 24-07-2023 Lượt xem 16

Về Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tiết thu sang, du khách sẽ được tham dự một trong những hội làng truyền thống độc đáo - Hội đánh pháo đất. Hội được tổ chức vào ngày 3 tháng 8 âm lịch hằng năm tại các xã Tân Hưng, Tam Đa, Tân Liên, An Hòa, Hiệp Hòa...

Tục thi pháo đất ở Vĩnh Bảo gắn liền với sự tích đánh giặc giữ nước. Pháo đất có tự bao giờ, không thấy sử sách chép lại, nhưng dân gian trong vùng vẫn truyền rằng: Bà Lê Chân tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40 - 44) chống quân đô hộ nhà Hán. Có lần, qua vùng đất Tân Liên ngày nay, con voi của Bà bị sa lầy. Quân Hán đang kéo đến. Thấy vậy, dân trong vùng hò la hỗ trợ giúp nghĩa binh vác đất đắp đường cho voi lên. Thoát nạn, bà Lê Chân truyền cho dân làng gọi những đống đất đắp cho voi lên là đống phù lưu. Từ đó, mỗi khi việc đồng áng rỗi rãi, dân làng lại tụ họp diễn tích tung đất, reo hò. Dần dần, không biết ai đó đã biến những hòn đất dẻo thành pháo, thành hội thi pháo đất mang đầy ý nghĩa văn hoá và tinh thần thượng võ của người Vĩnh Bảo.

Về Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tiết thu sang, du khách sẽ được tham dự một trong những hội làng truyền thống độc đáo - Hội đánh pháo đất. Hội được tổ chức vào ngày 3 tháng 8 âm lịch hằng năm tại các xã Tân Hưng, Tam Đa, Tân Liên, An Hòa, Hiệp Hòa...

Tục thi pháo đất ở Vĩnh Bảo gắn liền với sự tích đánh giặc giữ nước. Pháo đất có tự bao giờ, không thấy sử sách chép lại, nhưng dân gian trong vùng vẫn truyền rằng: Bà Lê Chân tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40 - 44) chống quân đô hộ nhà Hán. Có lần, qua vùng đất Tân Liên ngày nay, con voi của Bà bị sa lầy. Quân Hán đang kéo đến. Thấy vậy, dân trong vùng hò la hỗ trợ giúp nghĩa binh vác đất đắp đường cho voi lên. Thoát nạn, bà Lê Chân truyền cho dân làng gọi những đống đất đắp cho voi lên là đống phù lưu. Từ đó, mỗi khi việc đồng áng rỗi rãi, dân làng lại tụ họp diễn tích tung đất, reo hò. Dần dần, không biết ai đó đã biến những hòn đất dẻo thành pháo, thành hội thi pháo đất mang đầy ý nghĩa văn hoá và tinh thần thượng võ của người Vĩnh Bảo.

Ảnh sưu tầm

Đất làm pháo thường được lấy từ đáy sông hoặc dưới ruộng lúa mùa, loại đất đã được gạt hết lớp bùn từ hôm trước và được phơi cho se mặt. Sau đó, người ta lấy chày hoặc dùng tay để nhào đất cho đến khi dẻo, nhuyễn và có màu hồng mịn như sáp. Lúc ấy, đất mới có thể dùng để làm pháo được. Đất nặn pháo là đất sét được chọn lựa kỹ càng vì chất đất có tính quyết định thành bại của cuộc chơi. Không thay đất bằng chất liệu khác, càng không thể pha trộn với vật liệu dẻo, dai hơn.

Cách làm pháo hoàn toàn dựa vào sự khéo léo của đôi bàn tay. Cái tinh tế của đôi bàn tay nặn pháo là bằng cảm giác, để phát hiện tạp chất nhỏ, nặn sao cho toàn bộ manh pháo phải đều, dẻo như nhau để giếng pháo không bị đứt. Pháo được nặn thành hình khối chữ nhật hoặc hình elip miệng hơi tròn và “cạnh pháo” là một thoi đất mềm dài, nối xung quanh pháo. Trong lễ hội, Pháo đất Vĩnh Bảo gồm có hai loại: pháo tung và pháo đập úp. Pháo tung có quả được nặn với độ dài từ 70cm đến 1m, rộng 40cm-60cm, có thể nặng 20kg-60kg. Pháo đập úp kích thước sẽ nhỏ hơn.

 Vào cuộc thi, ông quản pháo - người có uy tín nhất trong các lần đánh pháo thúc một hồi trống. Sau đó, các cỗ pháo lần lượt tiến ra sân bãi bằng phẳng, rắn chắc giữa tiếng reo hò của người xem. Mỗi cỗ chọn một người khỏe mạnh nhất vào thi, số người còn lại đứng cạnh để nâng pháo. Đầu tiên tung pháo. Người dự thi nhận pháo của bạn trong đội, nâng pháo lên ngang mặt, xoay mạnh hai tay để tung pháo lên, sao cho càng cao càng tốt và pháo không bị chao đảo. Sau ba lần tung quả pháo lên như vậy thì chuyển sang thi ba lần đập úp ba quả pháo khác. Người dự thi nâng pháo lên ngang ngực, đâp úp thật nhanh xuống mặt đất. Khi tung pháo lên hoặc đập úp pháo xuống như trên, cánh pháo làm bằng đất mềm theo thành pháo vỡ toang và mở ra theo chiều dài thường trên dưới một mét, có khi dài tới hai mét, xoắn lại nằm vắt ngang thân pháo. Pháo nổ càng to, cánh pháo càng mở dài, càng nói lên sức khỏe, nghệ thuật cao của người đánh pháo và kỹ thuật giỏi của người làm pháo. Ban Tổ chức theo đó cộng chiều dài cánh pháo của ba lần tung pháo và ba lần đập pháo sẽ xếp giải.

Cứ mỗi lần đến mùa pháo đất, những người con Vĩnh Bảo xa quê dù bận rộn đến mấy cũng trở về tham dự hội truyền thống của quê hương, như một phong tục đẹp được lưu giữ cho các thế hệ sau. Vĩnh Bảo những ngày này luôn rộn vang tiếng pháo và không khí phấn khởi của mọi người.

                                                                                                    Hà My.